“Chiếc lá cuối cùng” là một truyện ngắn nhẹ nhàng nhưng mang nhiều ý nghĩa, giá trị nhân văn tốt đẹp về tình yêu thương, lòng nhân hậu và niềm hi vọng của con người. Mỗi số phận trong truyện chỉ được tái hiện lại trong một khoảng thời gian rất ngắn nhưng ấn tượng về họ lại vô cùng sâu sắc. Trong đó, nổi bật hơn cả là hình ảnh của ba hoạ sĩ nghèo Giôn-xi, Xiu và cụ Bơmen.
Ba hoạ sĩ nghèo cùng sống chung trong một khu căn hộ cho thuê ở gần công viên Oa-sinh-tơn. Mùa đông, gió rét lạnh thấu xương và lá cây rụng như trút. Cũng vào lúc ấy, nạn dịch viêm phổi hoành hành ở khu phố nghèo nàn nơi họ sống đã quật ngã Giôn-xi. Bệnh tật, nghèo túng, rét mướt khiến cô hoạ sĩ trẻ tuyệt vọng. Hàng ngày, cô đếm từng chiếc lá thường xuân còn lại trên cây bám vào bức tường gạch đối diện cửa sổ phòng mình và coi đó như là những chiếc lá định mệnh của mình. Khi nào chiếc lá cuối cùng rụng xuống cũng là lúc cô buông xuôi, lìa bỏ cuộc đời. Ngày này qua ngày khác, Giôn-xi càng thêm tuyệt vọng khi những chiếc lá cứ lần lượt lìa cành. Bệnh tình của cô trở nên trầm trọng hơn, tưởng như không còn hi vọng nào nữa. ở cô chỉ còn là “một tâm hồn đang chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến đi xa xôi bí ẩn của mình”...
Sau cơn mưa lạnh lẽo, dai dẳng suốt đêm, “Giôn-xi thẫn thờ nhìn tấm mành mành màu xanh đã kéo xuống” và nhờ Xiu kéo rèm lên. Cô bất lực vì nghĩ sẽ chẳng còn chiếc lá nào chịu đựng được “trận mưa vùi dập và những cơn gió phũ phàng kéo dài” cả đêm ấy; rồi cô cũng sẽ sớm ra đi như những chiếc lá kia. Nhưng không, bên ngoài cửa sổ, một chiếc lá thường xuân vẫn dũng cảm trụ lại được trên bức tường gạch với “cuống lá còn giữ được màu xanh sẫm” và “rìa lá hình răng cưa đã nhuốm màu vàng úa”. Sự dũng cảm kì lạ ấy khiến Giôn-xi có phần ngạc nhiên. Nhưng cô vẫn không có đủ niềm tin rằng phép màu nhiệm có thể kéo dài. “Hôm nay nó sẽ rụng thôi và cùng lúc đó thì em sẽ chết” - những ý nghĩ kì quặc hình như càng ngày càng choán lấy tâm trí cô mạnh mẽ hơn, dày đặc hơn. Giôn-xi không khỏi ám ảnh về cái chết được báo trước của mình nơi chiếc lá thường xuân nhỏ bé cuối cùng. Song khi ngày hôm ấy trôi qua, điều kì diệu vẫn còn. Đêm đến, “gió bấc lại ào ào, trong khi mưa vẫn đập mạnh vào cửa sổ”, Giôn-xi lại thêm lần nữa nghĩ rằng chiếc lá sẽ không còn đó. Vậy nhưng, trái với những gì cô nghĩ, chiếc lá vẫn bám trụ lại trên bức tường. Giôn-xi lúc này thực sự bất ngờ. Một niềm hi vọng mới được nhen nhóm lại trong cô. Cô nhận ra “có một cái gì đấy đã làm cho chiếc lá cuối cùng vẫn còn đó” và “muốn chết là một tội”. Cô bắt đầu muốn ăn, muốn ngồi dậy, muốn xem Xiu làm việc,... và hơn hết, cô ước mơ một ngày nào đó được vẽ vịnh Na-plơ. Vào buổi chiều, Giôn-xi thậm chí còn “vui vẻ đan một chiếc khăn choàng len màu xanh thẫm”. Dường như trước kia Giôn-xi tuyệt vọng khi nghĩ đến những chiếc lá bao nhiêu thì giờ đây, một chiếc lá cuối cùng nhỏ nhoi lại thắp sáng lên niềm tin mãnh liệt ở cô hoạ sĩ trẻ bấy nhiêu. Cô đã bắt đầu tìm thấy niềm lạc quan, vui sống...
          Giôn-xi mang lòng tin rằng chiếc lá thường xuân còn sót lại kia là một phép màu có thật, rằng nó thật sự “vẫn còn đó” sau bao đêm mưa gió dập vùi. Cô chỉ biết nó là bức hoạ cuối cùng, một sản phẩm hội hoạ khi tác giả của nó - cụ Bơ-men đã mất. Cụ Bơ-men cũng là một hoạ sĩ nghèo và giầu lòng nhân ái. Suốt bốn mươi năm qua, cụ đã trăn trở bao nhiêu nhưng chưa vẽ được một kiệt tác để đời nào. Hiểu được sự tuyệt vọng của Giôn-xi, cụ đã hoàn thành bức hoạ “chiếc lá cuối cùng” trên tường ngay trong đêm mưa gió bão bùng ấy như một cách để nhen nhóm lại niềm hi vọng cho cô. Đó cũng là đêm cuối cùng của đời người hoạ sĩ. Cụ Bơ-men mất sau đó hai ngày trong bệnh viện cũng vì bệnh viêm phổi.
          Có thể nói bức hoạ cuối cùng của cụ Bơ-men chính là một kiệt tác. Bởi nó được ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt - đêm mưa gió bão bùng khắc nghiệt, dưới ánh sáng của một ngọn đèn bão nhỏ bé. Bởi người tạo ra nó là một con người đặc biệt - một hoạ sĩ có đức hi sinh cao cả và tấm lòng giàu tình thương yêu. Và trên hết, bởi những gì mà nó mang lại cho một con người. Đó là sự tin tưởng, hi vọng, lạc quan, trở lại với niềm vui sống và ước mơ sáng tạo dồi dào. Giôn-xi thật sự đã được cụ Bơ-men cùng kiệt tác của cụ kéo trở lại từ tay tử thần cũng như nỗi bi quan, tuyệt vọng. “Chiếc lá cuối cùng” do đó, là phút bừng sáng huy hoàng trong đời người nghệ sĩ đáng kính trọng, là biểu tượng cho trái tim đầy vị tha, nhân ái của ông.
          Biết được sự thật về chiếc lá thường xuân qua lời kể của Xiu, nghĩa là biết chẳng còn một chiếc lá thật nào còn bám lại trên tường song Giôn-xi không quay về với chán nản như trước. Ngược lại, niềm tin đã trở lại với cô cùng với sự cảm kích, kính trọng người đồng nghiệp già càng thúc đẩy hơn nữa sự ham sống, đam mê sáng tạo của cô hoạ sĩ trẻ. Câu chuyện ngắn gọn và khá đơn giản này như vậy có kiểu kết cấu thực sự rất độc đáo. Đó là kiểu kết cấu theo nghệ thuật đảo ngược tình huống. Lần đảo ngược thứ nhất là ở Giôn-xi. Bởi từ đầu trích đoạn (và cả từ đầu truyện), cô mang tâm trạng ngày càng tuyệt vọng, chờ mong cái chết thì đến cuối truyện, cô lại chuyển sang lạc quan, tràn đầy khát khao được sống. Lần đảo ngược thứ hai nằm ở cụ Bơ-men khi cụ vẫn đang sống khỏe mạnh với nỗi trăn trở nghệ thuật thì chỉ sau hai ngày, cụ bị viêm phổi và qua đời với kiệt tác của mình. Vậy là cùng bởi chiếc lá cuối cùng còn bám trụ mà một nghệ sĩ trẻ đã khỏi được bệnh viêm phổi và tiếp tục được sống với đam mê sáng tạo; một hoạ sĩ già đã mắc phải bệnh viêm phổi và ra đi sau khi vẽ nên tác phẩm của đời mình. Tác giả O. Henri đã tạo ra một tình huống truyện bất ngờ đầy cảm xúc. Nó khơi gợi lên sự đồng cảm, trân trọng với những giá trị nhân văn tốt đẹp của con người.
          Bên cạnh hình ảnh Giôn-xi bắt đầu hồi sinh và cụ Bơ-men vị tha, Xiu cũng là một nhân vật rất đáng chú ý. Cô cũng là một hoạ sĩ trẻ, sống cùng Giôn-xi trong khu nhà trọ nghèo nàn. Trong những ngày Giôn-xi ốm nặng, héo mòn dần vì bệnh tật, nghèo túng, mệt mỏi, giá lạnh,... Xiu đã hết lòng thương yêu, tận tuỵ lo lắng cho người bạn gái của mình. Tình thương yêu, đùm bọc ấy được biểu hiện rõ hơn bao giờ hết khi những chiếc lá thường xuân ít dần trên bức tường gạch đối diện cửa sổ phòng Giôn-xi. Không được biết về việc cụ Bơ-men đã vẽ chiếc lá trong đêm nên mỗi khi Giôn-xi nhờ kéo tấm mành lên, Xiu thường miễn cưỡng, “làm theo một cách chán nản”. Dường như trong lòng cô cũng biết mưa gió sẽ thổi bay hết đi những chiếc lá hi vọng của bạn mình. Cô không muốn Giôn-xi thấy hình ảnh ấy vì sợ Giôn-xi sẽ càng thêm bi quan, chán nản, mất hết niềm tin vào cuộc sống. Bởi thế mà chính Xiu cũng ngạc nhiên khi chiếc lá vẫn ở trên tường, qua ngày, qua đêm, qua cả những dập vùi của thời tiết. Đây là một chi tiết thú vị của câu chuyện. Vì nếu Xiu biết trước về bức hoạ thì có lẽ, câu chuyện này sẽ mất đi biết bao những bất ngờ sau này. Một lần nữa, nó đã khẳng định cho tài năng tổ chức nghệ thuật của nhà văn.
          Chỉ trong trong mấy trang kết thúc truyện “Chiếc lá ngắn ngủi” nhưng O. Henri đã chứng tỏ được nghệ thuật miêu tả tâm lí, khắc hoạ tính cách và xây dựng tình huống bậc thầy của mình. Ba nhân vật - ba hoạ sĩ đã dần vẽ lên trang giấy bức tranh về chiếc lá thường xuân thấm đượm tình người. Thông qua họ, nhà văn  thể hiện niềm tin mãnh liệt của ông vào lòng yêu thương và niềm hi vọng trong mỗi con người. Điều đó gây nên hứng thú ở người đọc cũng như càng khiến mỗi người thêm rung cảm trước những giá trị nhân sinh cao cả, đẹp đẽ.
Facebook Google twitter
Key word: Ôn thi Văn vào 10: Chiếc lá cuối cùng