TÂM LÝ HỌC GIÁO DỤC VÀ VẤN ĐỀ CẢI THIỆN
MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC NHÀ TRƯỜNG HIỆN NAY
1.      Môi trường giáo dục nhà trường
Môi trường là toàn bộ các yếu tố tự nhiên và xã hội hiện hữu, bao xung quanh và có ảnh hưởng lớn lao đến đời sống con người. Môi trường giáo dục nhà trường là tập hợp các yếu tố về vật chất và tâm lý, xã hội có tác động trực tiếp đến hiệu quả và chất lượng quá trình dạy học và giáo dục nhằm hình thành và phát triển nhân cách cho người học. Thông qua môi trường nhà trường, mỗi học sinh được bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, kiến thức khoa học, kỹ năng thực hành cần thiết để họ hoàn thiện bản thân và phù hợp với yêu cầu của xã hội. So với gia đình, nhà trường là môi trường rộng lớn hơn, phong phú và hấp dẫn hơn đối với thế hệ trẻ. Trong nhà trường, học sinh được giao lưu với thầy cô, bạn bè, được tham gia vào các hoạt động mang tính xã hội. Môi trường nhà trường có ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, tình cảm và hành vi của học sinh cũng như ảnh hưởng đến hiệu quả và chất lượng giáo dục.

Môi trường giáo dục nhà trường là tập hợp các yếu tố. Môi trường đó bao gồm: yếu tố vật chất và yếu tố tâm lý, xã hội. Các yếu tố vật chất như sự sắp xếp, bố trí không gian trong trường học; các điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện hỗ trợ quá trình sư phạm. Trường học không chỉ có môi trường vật chất mà là một không gian tâm lý chất đầy vốn sống của giáo viên và học sinh, luôn có sự tương tác giao tiếp sư phạm.







Tâm lý học giáo dục
         Tâm lý học giáo dục nghiên cứu những quy luật nảy sinh biến đổi và phát triển tâm lý của cá nhân và nhóm dưới tác động của hoạt động giáo dục (dạy học và giáo dục theo nghĩa hẹp), những quy luật lĩnh hội tri thức, kỹ năng, kỹ xảo và hành vi đạo đức. Hay nói cách khác, tâm lý học giáo dục nghiên cứu các quy luật nảy sinh, biến đổi và phát triển của các hiện tượng tâm lý trong quá trình dạy học và giáo dục cũng như mối quan hệ giữa sự phát triển tâm lý trong các điều kiện môi trường khác nhau của quá trình dạy học và giáo dục. Tâm lý học giáo dục sẽ cung cấp các cơ sở khoa học để chúng ta xây dựng môi trường giáo dục nhà trường phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của học sinh cũng như đề xuất các cách thức nhằm cải thiện môi trường giáo dục nhà trường có hiệu quả nhất. Bởi thực tế, quá trình dạy học và giáo dục không tách rời với các điều kiện môi trường bao quanh quá trình đó.
3. Tâm lý học giáo dục và vấn đề cải thiện môi trường giáo dục nhà trường hiện nay
3.1 Mối quan hệ giữa sự phát triển tâm lý của học sinh và môi trường giáo dục nhà trường
Môi trường nhà trường là nơi diễn ra các hoạt động dạy học, giáo dục và hoạt động giao tiếp sư phạm giữa giáo viên và học sinh và giữa các học sinh với nhau. Môi trường nhà trường  là điều kiện và chất xúc ảnh hưởng đến việc hình thành nhận thức, thái độ, tình cảm và hành vi của học sinh.  Môi trường nhà trường thân thiện, lành mạnh với mối quan hệ sư phạm được xây dựng trên sự tôn trọng, hợp tác và thấu hiểu sẽ thúc đẩy các hành vi tích cực ở người học. Ngược lại, môi trường nhà trường thiếu tính thân thiện không những không giúp học sinh hình thành hành vi tích cực mà sẽ tạo điều kiện để học sinh bộc lộ những hành vi tiêu cực. Điều đó cho thấy trong các điều kiện và môi trường khác nhau sẽ hình thành những đặc điểm tâm lý khác nhau ở học sinh. Sự phát triển tâm lý và phát triển nhân cách của học sinh trong môi trường nhà trường không thể tách rời với quá trình giáo dục. Vì vậy để đi đến kết quả cuối cùng của giáo dục là giúp người học phát triển toàn diện đòi hỏi ba yếu tố: điều kiện môi trường nhà trường, hoạt động dạy học và giáo dục có sự tương tác chặt chẽ với nhau. Mối quan hệ đó được thể hiện trong bảng như sau:







Bảng : Mối quan hệ giữa sự phát triển tâm lý học sinh trong các điều kiện môi  trường khác nhau của quá trình dạy học và giáo dục trong nhà trường
Điều kiện môi trường giáo dục nhà trường
Hoạt động dạy học và giáo dục
Sự phát triển tâm lý của học sinh
Thân thiện
- Giáo viên tôn trọng, quan tâm và khích lệ, tin tưởng học sinh
- Có sự khách quan và công bằng trong đối xử
- Tập thể học sinh đoàn kết, gắn bó, vui vẻ, giúp đỡ lẫn nhau…
- Có sự đổi mới theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh.
- Có sự thuận lợi về các yếu tố chủ quan và khách quan
- Trong học tập: Chăm học, chú ý nghe giảng, tự giác, có sáng tạo
- Trong ứng xử: Lễ phép với thầy cô, tôn trọng mọi người, biết đồng cảm, giúp đỡ bạn bè.
- Trong rèn luyện: Thực hiện tốt các nội quy, nhiệt tình tham gia các hoạt động và có tinh thần trách nhiệm cao
 Thiếu thân thiện
- Giáo viên áp đặt, đổ lỗi, la mắng, quát tháo.
- Phân biệt đối xử, tẩy chay, coi thường, mỉa mai, châm chọc giữa các học sinh
- Tập thể không đoàn kết, bạo lực
- Không được hoặc ít được giúp đỡ, chia sẻ khi cần, vô cảm…
- Không có sự đổi mới trong dạy học và giáo dục
- Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình dạy học và giáo dục khó khăn, thử thách
- Trong học tập: Lười học, ý thức học tập không cao, thiếu trung thực
- Trong ứng xử: không hợp tác, đánh nhau, gây mất đoàn kết, thiếu tôn trọng người khác, nói tục, chửi bậy
- Trong rèn luyện: vi phạm các nội quy như đi học muộn, không học bài, chống đối…….

3.2 Một số biện pháp nhằm cải thiện môi trường giáo dục nhà trường
           3.2.1. Xây dựng mối quan hệ sư phạm trong nhà trường nhân văn và thân thiện
        Theo nhà tâm lí học Maslaw, ngoài những nhu cầu thuộc về sinh lý, an toàn thì con người còn có nhu cầu được công nhận được thuộc về một tổ chức nào đó; nhu cầu được kính trọng, yêu mến, tin tưởng và nhu cầu được tự khẳng định. Việc tạo nên bầu không khí dựa trên các giá trị trong xây dựng môi trường nhà trường là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy hiệu quả giáo dục vì nó đáp ứng các nhu cầu quan trọng của học sinh.  Theo đó, môi trường nhà trường cần được thiết lập trên nền tảng các giá trị. Kết quả nghiên cứu của UNESCO trong chương trình giáo dục giá trị sống toàn cầu, khi các nhà giáo dục đặt câu hỏi trẻ em cần được sống trong một môi trường giáo dục như thế nào? Thì câu trả lời đó là: Môi trường đó cần tạo cho trẻ cảm thấy:
                      + Được an toàn,
                      + Được có giá trị
                      + Được yêu thương
                      + Được hiểu
                      + Được tôn trọng.
        Môi trường nhà trường thân thiện trong đó các mối quan hệ của giáo viên và học sinh, học sinh với học sinh được dựa trên nền tảng của các giá trị như: tin tưởng, cởi mở, tôn trọng, đồng cảm, chia sẻ, không bạo lực, không có sự kì thị sẽ giúp người học có cơ hội phát huy tối đa tiềm năng của mình. Người học không còn có thái độ ngượng ngùng, khép mình, xấu hổ, mất tự tin, bất an, chán nản vì sự đe doạ, trừng phạt, phán xét. Một môi trường giáo dục lấy người học làm trung tâm, mà trong đó các mối quan hệ dựa trên lòng tin cậy và tôn trọng sẽ khơi dậy động cơ tốt đẹp, sự sáng tạo và tích cực và sự tập trung cao độ, tinh thần trách nhiệm với hoạt động học tập của người học.­ Ngoài ra, môi trường học đường thân thiện còn phát triển năng lực tự đánh giá một cách tích cực và tự điều chỉnh hành vi của mình trong quá trình học tập để hài hòa với các thành viên trong lớp.
         Để có thể xây dựng môi trường nhà trường nhân văn và thân thiện, giáo viên cần có một số kỹ năng như: biết lắng nghe học sinh, có lời nói và cử chỉ thể hiện sự quan tâm, tôn trọng học sinh, biết chia sẻ và thấu cảm với những vấn đề học sinh đang gặp phải trong học tập và cuộc sống, công bằng với học sinh, không phân biệt đối xử, tạo điều kiện để học sinh được bộc lộ bản thân, biết cách khích lệ và động viên học sinh để họ biết vượt qua những trở ngại….
          3.2.2. Khích lệ sự tham gia có trách nhiệm của học sinh vì sự phát triển của lớp học, trường học
        a/Tăng cường sự tham gia của học sinh vào việc xây dựng văn hóa trường học, nội quy lớp học.
Xây dựng nội quy lớp học là một cách giúp tăng hứng thú và thái độ nhiệt tình tham gia và tính tự chủ của người học. Thông thường, người học thực hiện các nội quy mà nhà trường và giáo viên đưa ra sẵn trước khi tham gia học tập. Vì vậy, để tạo lập môi trường nhà trường thân thiện, giáo viên nên để cho người học cùng được tham gia đóng góp ý kiến và xác lập những quy tắc ứng xử và nội quy lớp học. Tác dụng lớn của biện pháp này chính là giúp họ tự nhận thức, tự đánh giá bản thân và các bạn trong lớp để từ đó sẽ tuân thủ kỷ luật nghiêm túc hơn, có trách nhiệm hơn trong việc quản lý hành vi của mình, và khuyến khích những hành vi tích cực của bạn bè. Học sinh không cảm thấy những quy tắc đó là những yêu cầu bắt buộc từ bên ngoài mà bản thân họ chính là một nhân tố quan trọng tạo nên kỷ luật của lớp học. Căn cứ trên nội quy của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm lớp có thể cho học sinh có thể trao đổi, bày tỏ những mong muốn của mình về các nội dung như:
+ Môi trường lớp học và xây dựng mối quan hệ bạn bè thân thiện
+  Kì vọng đối với giáo viên.
+  Biện pháp xây dựng môi trường nhà trường lành mạnh.
+  Những điều học sinh và giáo viên nên làm và không nên làm
+  Hình thức khen thưởng và kỉ luật đối với các hành vi tích cực và tiêu cực
+  Phân công các cá nhân hoặc nhóm giám sát việc thực hiện nội quy  
Ví dụ ngoài các nội quy nhà trường, một số kỷ luật mà học viên đưa ra trên cơ sở sự khuyến khích của giáo viên như: đi học đúng giờ, không nói chuyên riêng trong giờ học, tích cực học tập, tích cực hợp tác với các bạn trong lớp, không sử dụng điện thoại trong giờ học, không chế nhạo bạn học khi họ đưa ra các ý kiến khác biệt…..
b/ Tổ chức các hoạt động đa dạng để học sinh cùng tham gia nhằm nâng cao sự gắn kết với lớp học, trường học
Sự gắn bó, hiểu biết, chia sẻ với nhau của các học sinh.được hình thành và phát triển thông qua các hoạt động chung. Giáo viên cần xác định các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của tập thể học sinh, đặc điểm tâm lý của học sinh để từ đó lên kế hoạch và xây dựng chương trình cho các hoạt động. Hoạt động này cần hướng tới mục đích chung vì sự phát triển của nhà trường, của lớp học. Nhà trường nên phát động các hoạt động như các cuộc thi tìm hiểu về nhà trường; thảo luận và chia sẻ về môi trường nhà trường mà học sinh mong đợi; xây dựng nhà trường xanh – sạch- đẹp ….Để học sinh có ý thức trong việc xây dựng môi trường nhà trường thân thiện đòi hỏi giáo viên cần giao nhiệm vụ, khuyến khích sự phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh.

4. Kết luận:
Quá trình sư phạm trong nhà trường chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố trong đó môi trường là một yếu tố quan trọng. Hiểu biết sự phát triển và biểu hiện tâm lý cũng như mối quan hệ giữa sự phát triển tâm lý trong các điều kiện khác nhau của quá trình dạy học và giáo dục sẽ giúp chúng ta xây dựng cách thức cải thiện môi trường giáo dục nhà trường tích cực và tốt đẹp hơn từ đó nâng cao hiệu quả và chất lượng đào tạo của nhà trường.
ThS. Trần Thị Cẩm Tú
Khoa Tâm lý – Giáo dục học ,Trường ĐH Sư phạm Hà Nội
     Trung tâm Sáng tạo và phát triển tài năng LONGA
Hội thảo khoa học toàn quốc “Tâm lý học và vấn đề cải thiện
môi trường giáo dục hiện nay”
        do Hội các khoa học tâm lý- giáo dục Việt Nam tổ chức
tại Cần thơ 13 – 7 - 2013

Danh mục tài liệu tham khảo
  1. Nguyễn Thanh Bình (chủ biên): 2011. Một số vấn đề trong công tác giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường trung học phổ thông hiện nay – NXB ĐH Sư phạm, Jean Marc Denomme & Madeleine Roy : Tiến tới một phương pháp sư phạm tương tác – NXB Thanh niên
  2. Lê Văn Hồng (chủ biên): 2001. Tâm lí học lứa tuổi và Tâm lí học sư phạm ­– NXBĐH Quốc gia Hà Nội,
  3. Phạm Thành Nghị . 2011. Giáo trình Tâm lý học giáo dục - ­ NXB ĐH Quốc gia Hà Nội
  4. Văn phòng giáo dục quốc tế thuộc UNESCO, 2004  “Chân dung những nhà cải cách giáo dục tiêu biểu trên thế giới”, NXB Thế giới,
  5. http://www.livingvalues.net

Facebook Google twitter
Key word: TÂM LÝ HỌC GIÁO DỤC VÀ VẤN ĐỀ CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC NHÀ TRƯỜNG HIỆN NAY