QUẢN LÝ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC NGOÀI GIỜ
 LÊN LỚP Ở  CÁC TRƯỜNG THPT TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
        
                                                                                                            ThS. Trần Đại Nghĩa*
TÓM TẮT

       Ngày nay, khi bàn đến công tác giáo dục còn không ít người cho rằng phát triển giáo dục là sự phát triển, khai thác tiềm năng trí tuệ, phát triển nghề nghiệp, nên chỉ quan tâm đến đổi mới nội dung chương trình dạy học những môn khoa học cơ bản và công nghệ mà quên đi việc đào tạo những kỹ năng mềm, nhằm hình thành và phát triển nhân cách, rèn luyện những con người năng động, sáng tạo, có khả năng tự quản, tổ chức hoạt động, lập kế hoạch, kiểm tra đánh giá…, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến kỹ năng nghề nghiệp của các em học sinh sau này. Chính vì vậy đòi hỏi các nhà quản lý giáo dục cần phải có năng lực lãnh đạo điều hành bộ máy HĐGDNGLL vận hành tốt nhất, trong đó: kỹ năng lập kế hoạch là một chức năng rất quan trọng trong quá trình quản lý HĐGDNGLL ở trường THPT, đó chính là bản đồ chỉ dẫn để giúp nhà quản lý đạt mục tiêu đề ra một cách tốt nhất.
      1. Đặc vấn đề
     Giáo dục Việt Nam hiện nay đang đứng trước những sứ mệnh nặng nề do xã hội đặt ra, đang phải giải quyết rất nhiều vấn đề phức tạp trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập.
Tìm hiểu về thế giới hiện đại, phác họa được bức tranh chung về đặc điểm và yêu cầu của nó, từ đó tìm được những giải pháp nhằm giải quyết có hiệu quả các vấn đề của giáo dục nói chung và nhiệm vụ dạy học ở nhà trường nói riêng là việc làm có ý nghĩa thiết thực đối với mỗi cán bộ quản lý giáo dục, góp phần chung sức cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thành công sự nghiệp phát triển giáo dục nước nhà.
    Với mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam từ một nước nông nghiệp về cơ bản sẽ trở thành nước công nghiệp, hội nhập với cộng đồng quốc tế. Để thực hiện mục tiêu trên, đòi hỏi mỗi tổ chức, mỗi cá nhân phải nhanh chóng tiếp cận và hòa nhập vào sự phát triển chung của nhân loại. Mặt bằng dân trí phải được nâng cao nhằm cung cấp nguồn nhân lực phát triển về số lượng, lẫn chất lượng. Với yêu cầu cấp thiết đó, nhiệm vụ của ngành giáo dục và đào tạo là phải trang bị kiến thức cho người học không chỉ có các tri thức đã lĩnh hội ở nhà trường mà còn phải có năng lực chiếm lĩnh tri thức một cách chủ động, sáng tạo; đồng thời, người học phải có năng lực giải quyết vấn đề, có kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, tổ chức, tư duy độc lập, có thể lực tốt, có bản lĩnh, ý thức làm chủ và sáng tạo, có khả năng thích ứng hợp tác với cộng đồng trong công việc và cuộc sống hàng ngày.
    Theo A.Carrel, “Giáo dục quá thiên về trí thức sẽ tạo ra con người có óc mà không tim”. Chính vì thế, ngoài giờ học chính khóa ở lớp, các học sinh thường tham gia những hoạt động nhóm nhằm trao đổi thông tin, giải trí sau những giờ học căng thẳng trên lớp. Nhu cầu được giao tiếp, được tự khẳng định mình của thanh niên ngày càng tăng cao phù hợp với bốn trụ cột của Giáo dục thế kỉ XXI mà UNESCO đã đưa ra: “Học để biết, học để làm, học để cùng chung sống và học để tự khẳng định mình”. Như là ngọn đèn soi sáng cho mọi người đặc biệt là thế hệ trẻ học tập và rèn luyện bản thân.
     2. Quản lý xây dựng kế hoạch hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở các trường trung học phổ thông trong giai đoạn hiện nay
     2.1. Các nguyên tắc tổ chức HĐGDNGLL ở trường THPT
    Kế hoạch hóa là một chức năng của công tác quản lý, kế hoạch hóa bao gồm việc xác định mục tiêu của tổ chức, xác lập chiến lược tổng thể để đạt mục tiêu đề ra và xây dựng một kế hoạch rõ ràng để thực hiện trong từng giai đoạn, cho từng nhiệm vụ. Do đó, khi tổ chức HĐGDNGLL, để đạt chất lượng và hiệu quả giáo dục, nhà trường cần phải tuân thủ một số nguyên tắc sau đây:
a. Nguyên tắc về tính mục đích:
     Nhằm đem lại hiệu quả HĐGDNGLL nhà trường phải xác định mục đích rõ ràng, cụ thể cho cả năm học, cho từng học kỳ, cho từng hoạt động. Trong đó cần định hướng đa dạng của mục tiêu giáo dục để thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện. Đồng thời để đạt được mục tiêu đề ra cần phải lập kế hoạch HĐGDNGLL càng chi tiết, khoa học, cụ thể sẽ giúp cho việc tổ chức hoạt động dễ dàng và hiệu quả. Kế hoạch phải đảm bảo tính tương đối, tính hệ thống và tính hướng đích, không tùy tiện tổ chức các hoạt động. Dựa trên kế hoạch HĐGDNGLL nhà trường cần chủ động cách thức tổ chức, các nguồn lực về con người, tài chính, vật chất và thời gian, nội dung, hình thức, cũng như quy mô hoạt động.
b. Nguyên tắc về tính tự nguyện, tự giác tham gia hoạt động
     Nếu học sinh bắt buộc học tập các môn học trên lóp, thì các em có quyền lựa chọn tham gia các hoạt động ngoài giờ lên lớp mà các em yêu thích. Nguyên tắc này đảm bảo cho học sinh có quyền lựa chọn tham gia các hoạt động phù hợp với khả năng, hứng thú, sức khỏe và điều kiện của bản thân mỗi em, như vậy mới tạo được sự hứng thú, tự giác tham gia hoạt động. Cho nên, nguyên tắc này đòi hỏi nhà trường phải tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng trong và ngoài nhà trường như các hoạt động giao lưu kết bạn, văn nghệ, thể dục thể thao, từ thiện xã hội..
 c. Nguyên tắc tính đến đặc điểm lứa tuổi và tính cá biệt của học sinh
     Trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách học sinh, mỗi lứa tuổi có những đặc điểm sinh lý, tâm lý khác nhau. Vì vậy, khi tổ chức HĐGDNGLL nhà trường cần chú ý có những nội dung, hình thức cho phù hợp với sự phát triển của học sinh theo từng giai đoạn lứa tuổi.
d. Nguyên tắc kết hợp sự lãnh đạo sư phạm của thầy và tính tích cực, độc lập, sáng tạo của học sinh
     Ở lứa tuổi học sinh trung học phổ thông các em chưa có kinh nghiệm sống, kinh nghiệm tổ chức hoạt động. Vì vậy, vai trò của thầy cô giáo là người định hướng, gợi ý, dẫn dắt, giúp đỡ các em trong quá trình tổ chức hoạt động, nhưng không được làm thay. Tuy vậy, để tăng tính chủ động, sáng tạo của học sinh thì việc thực hiện các bước, từ khâu chuẩn bị hoạt động đến tiến hành tổ chức hoạt động, đánh giá hoạt động phải để học sinh phat huy khả năng của mình, được bày tỏ sáng kiến nhằm giúp hoạt động hiệu quả tốt hơn.
2.2. Quản lý việc xây dựng kế hoạch HĐGDNGLL ở các trường THPT trong giai đoạn hiện nay
      Kế hoạch hóa là công tác quản lý HĐGDNGLL nhằm xác định mục tiêu, chương trình hành động, xác định từng bước đi, những điều kiện, phương tiện cần thiết trong điều kiện thực tế của mỗi trường trong một thời gian nhất định. Do đó, khi lập kế hoạch trong quản lý HĐGDNGLL chi tiết, khoa học sẽ có khả năng ứng phó với sự thay đổi không lường trước, dự trù được các yếu tố thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức trong quá trình thực hiện mục tiêu và huy động các lực lượng trong và ngoài nhà trường tham gia tích cực. Chương trình, kế hoạch HĐGDNGLL phải được sự thống nhất và ủng hộ của giáo viên và học sinh. Nắm bắt thông tin để kịp thời điều chỉnh kế hoạch khi cần thiết. Kế hoạch càng chi tiết, càng cụ thể và khoa học sẽ giúp người quản lý dễ dàng điều hành tốt HĐGDNGLL ở nhà trường.
     Trong kế hoạch cần chú ý lựa chọn các hoạt động phù hợp, xác định chủ điểm cho từng thời gian. Phải có kế hoạch và lịch hoạt động cho toàn trường, từng khối lớp, cho từng thời kỳ, tiến tới ổn định thành nề nếp thường xuyên, liên tục. Cần chú ý các yêu cầu sau:
    +Có kế hoạch cho từng hoạt động đều đặn, cân đối từ đầu đến cuối năm và trong hè.
    +Có quy định cho từng khối lớp trong hoạt động chung của nhà trường.
    +Có lịch hoạt động hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, học kỳ, năm học.
        +Có ý thức cập nhật thông tin nhằm điều chỉnh kế hoạch kịp thời và những nhiệm vụ đột xuất.
    Đồng thời cần khéo léo kết hợp các nội dung và hình thức sinh hoạt với nhau để công việc không bị chồng chéo, không nhàm chán. Sắp xếp công việc logic, khoa học theo từng thời gian. Kế hoạch quản lý HĐGDNGLL không những có trong kế hoạch năm học mà còn phải lập thành kế hoạch riêng, sao cho chi tiết, cụ thể, khoa học và hợp lý.
     HĐGDNGLL là hoạt động rất đa dạng và phong phú thể hiện ở nhiều mặt, từ nội dung và hình thức hoạt động, đến thời gian và không gian tổ chức các hoạt động. Do vậy, việc cải tiến công tác lập kế hoạch HĐGDNGLL sẽ đảm bảo tính ổn định tương đối, tính hệ thống và tính hướng đích của các hoạt động, tránh được các trường hợp bị động đối phó, hình thức giữa các hoạt động trong quy mô toàn trường.
2.3. Các bước lập kế hoạch HĐGDNGLL chi tiết cụ thể , khoa học
        Hiện nay, thực tế qua khảo sát thực trạng cho thấy việc xây dựng kế hoạch HĐGDNGLL còn nhiều bất cập, nhiều lãnh đạo nhà trường còn lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch hoặc chỉ xây dựng kế hoạch cho có để đối phó, cho nên hiệu quả hoạt động còn nhiều hạn chế. Vì vậy, lãnh đạo các nhà trường cần cải tiến trong việc xây dựng kế hoạch HĐGDNGLL.
   Để xây dựng một kế hoạch HĐGDNGLL chi tiết, khoa học chúng ta cần thực hiện các bước sau:
   Bước 1: -Căn cứ vào hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT về HĐGDNGLL, trên cơ sở đó đề ra kế hoạch cho phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương và cơ sở vật chất, tài chính và các nguồn lực khác của nhà trường.
         -Căn cứ vào các nguyên tắc tổ chức HĐGDNGLL và đặc điểm tâm sinh lý, tính cách, lứa tuổi, dân tộc..
        - Đảm bảo nguyên tắc SMART:
                                  Specific  -cụ thể, dễ hiểu
                                  Measurable- đo lường được
                                  Achievable-vừa sức
                                  Realisties-thực tế
                                  Timebound-có thời hạn
    Bước 2: Dùng phương pháp phân tích SWOT, tức là phải biết được điểm mạnh(Strenghts), điểm yếu(Weaknesses), thời cơ (Opportunities), nguy cơ (Threats). Khi vào đầu năm học người Hiệu trưởng phải nắm được những thông tin bên trong, bên ngoài khi đó mới có những thông tin chính xác cho một kế hoạch tốt.
    Bước 3: Dùng phương pháp 5W1H2C5M để viết một kế hoạch HĐGDNGLL chi tiết và khoa học. Cụ thể như sau:
a. Xác định mục tiêu yêu cầu 1W(Why): Tại sao phải thực hiện HĐGDNGLL? Nó có vai trò như thế nào đối việc giáo dục học sinh nhà trường?
b. Xác định nội dung công việc 1W(What): Nội dung công việc HĐGDNGLL là gì? Sau đó chỉ ra các bước công việc cụ thể.
c. Xác định phương pháp 3W(Where, When, Who):
Where? HĐGDNGLL được tổ chức ở đâu?
When? HĐGDNGLL được tổ chức khi nào? Khi nào bắt đầu? khi nào kết thúc? Hoạt động nào ưu tiên trước, hoạt động nào sau.
Who? Ai chịu trách nhiệm chính cho hoạt động đó? Ai tổ chức? Ai kiểm tra? Ai hỗ trợ? Ai phối hợp…
d. Xác định phương pháp 1H (How): Cách thức thực hiện từng HĐGDNGLL như thế nào? Có những tài liệu nào hướng dẫn? Có máy móc thiết bị nào hỗ trợ? Tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá hoạt động như thế nào?
e. Xác định phương pháp kiểm soát 1C( Control): HĐGDNGLL có đặc tính gì? Làm thế nào để đo lường? Có những HĐGDNGLL nào cần phải kiểm soát?
f. Xác định phương pháp kiểm tra 1C (Check): Có những công việc nào cần phải kiểm tra? Tần suất kiểm tra như thế nào? Việc kiểm tra đó thực hiện một lần hay thường xuyên? Ai tiến hành kiểm tra?
g. Xác định nguồn lực(5M):
Man= nguồn nhân lực gồm những ai? Những ai sẽ thực hiện, ai có kinh nghiệm, ai có kỹ năng tổ chức, ai có năng lực phù hợp với công việc? ai hỗ trợ, ai kiểm tra.
Money: Tài chính cho HĐGDNGLL như thế nào? Lấy từ nguồn nào? Chi ra sao?
Machine: Máy móc thiết bị nào hỗ trợ?
Material: Những nguyên liệu, dụng cụ, đồ dùng nào khi tổ chức HĐGDNGLL
Method: Phương pháp tổ chức HĐGDNGLL như thế nào?
     Trong kế hoạch cần chú ý lựa chọn các hoạt động phù hợp, xác định chủ điểm cho từng thời gian. Phải có kế hoạch và lịch hoạt động cho toàn trường, từng khối lớp, cho từng thời kỳ, tiến tới ổn định thành nề nếp thường xuyên, liên tục. Cần chú ý các yêu cầu sau:
 + Xây dựng kế hoạch, cần chọn lọc các hoạt động phù hợp, xác định các chủ điểm cho từng thời gian.
+ Kế hoạch phải được xây dựng phù hợp với điều kiện của nhà trường, đáp ứng nhiệm vụ giáo dục của năm học và nhiệm vụ chính trị của địa phương.
+ Phải có kế hoạch, lịch hoạt động cho toàn trường, từng khóa học, cho từng thời kỳ, tiến tới ổn định thành nề nếp.
+ Có kế hoạch hoạt động đều đặn, cân đối từ đầu năm cho đến cuối năm học và trong hè.
+ Kế hoạch HĐGDNGLL phải được xây dựng trên cơ sở kế hoạch của nhà trường, trong mối quan hệ với các hoạt động khác của nhà trường như: Kế hoạch dạy-học, kế hoạch về tài chính, kế hoạch về cơ sở vật chất, trang thiết bị, kế hoạch kiện toàn lực lượng cán bộ, giáo viên.
    + Có quy định cho từng khối lớp trong hoạt động chung của nhà trường.
    + Có lịch hoạt động hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, học kỳ, năm học và trong hè.
    + Thường xuyên ý thức cập nhật thông tin về HĐGDNGLL nhằm điều chỉnh kế hoạch kịp thời và những nhiệm vụ đột xuất.
  Đồng thời cần khéo léo kết hợp các nội dung và hình thức sinh hoạt với nhau để công việc không bi chồng chéo, không nhàm chán. Sắp xếp công việc logic, khoa học theo từng thời gian. Kế hoạch quản lý HĐGDNGLL không những có trong kế hoạch năm học mà còn phải lập thành kế hoạch riêng, sao cho chi tiết, cụ thể, khoa học và hợp lý.
   Kế hoạch của nhà trường về HĐGDNGLL phải được sự thống nhất cao trong Ban chỉ đạo HĐGDNGLL và thông qua Hội đồng sư phạm nhà trường. Trên cơ sở đó, yêu cầu giáo viên trong trường tự xây dựng cho cá nhân kế hoạch riêng về HĐGDNGLL bên cạnh kế hoạch giảng dạy trên lớp.
   Nhà trường lập kế hoạch riêng cho HĐGDNGLL ngay từ đầu năm học và phân công cụ thể cho một thành viên trong Ban chỉ đạo phụ trách công tác này để họ có kế hoạch cụ thể trong từng tháng của năm học. Việc xây dựng kế hoạch hoạt động cả năm giúp cho lãnh đạo có cái nhìn bao quát về HĐGDNGLL diễn ra trong một năm và có sự phân phối các nguồn lực cho hoạt động này một cách hợp lý, các bộ phận và cá nhân chủ động trong việc chuẩn bị cho các hoạt động đã dự kiến ngay từ đầu năm học.
   Các tiểu ban HĐGDNGLL tiến hành xây dựng kế hoạch chi tiết theo nội dung công việc được phân công.
Việc xây dựng lịch hoạt động thành nề nếp theo thời gian thực chất là việc đưa kế hoạch năm học vào thực tiễn nhà trường, tạo nên tính ổn định tương đối của HĐGDNGLL. Điều quan trọng đó là phải thiết kế được những hình thức hoạt động hấp dẫn để thực hiện những nội dung đặt ra, từ đó thu hút được sự tham gia nhiệt tình, sôi nổi một cách tự giác của các em học sinh, khi đó HĐGDNGLL mới đạt được hiệu quả giáo dục cao.
Kế hoạch hoạt động ngoài giờ lên lớp không những có trong kế hoạch năm học mà phải có kế hoạch riêng cho từng hoạt động, từng chủ đề, chủ điểm một cách khoa học, hợp lý. Có thể được khái quát theo bảng biểu như sau:
Thời gian
- Chủ đề
Mục tiêu (CBQL)
Thời gian
    bắt
   đầu
Thời gian
  kết thúc
Ngày hoạt động
  cao   điểm
Các nguồn lực
hỗ
trợ
Tài chính dự
   kiến
Người phụ trách chính
Ghi chú
Tháng 9
(Chủ điểm…)








Tháng 10
(Chủ điểm…)








Tháng …...









    Ban chỉ đạo HĐGDNGLL cũng cần hướng dẫn người trực tiếp thực hiện chương trình HĐGDNGLL lập kế hoạch cá nhân, định hướng cho các hoạt động hàng tuần, hàng tháng. Từ kế hoạch cá nhân, triển khai các kế hoạch cụ thể cho từng hoạt động, mục đích yêu cầu tăng dần theo từng khối lớp. Kế hoạch tuần, tháng của cá nhân có thể thực hiện theo bảng biểu sau:
Thời gian
-Chủ đề
 Tên hoạt động
Mục
  tiêu
(GVCN)
 Nội dung hoạt động
Hình thức hoạt động
Lực lượng tham gia
Nguồn lực
hỗ
trợ
  Địa điểm
 Người    phụ trách chính
Ghi chú
Tháng 9
(Chủ điểm…)









Tháng 10
(Chủ điểm…)









Tháng …









      Như vậy, xây dựng kế hoạch HĐGDNGLL cả năm giúp lãnh đạo nhà trường tổng quan được các hoạt động diễn ra trong nhà trường và có sự phân phối các nguồn lực cho hoạt động này một cách hợp lý, các bộ phận và cá nhân chủ động trong việc chuẩn bị cho các hoạt động đã dự kiến ngay từ đầu năm học. Để thực hiện một kế hoạch tốt, cần phải có sự thống nhất cao từ lãnh đạo nhà trường đến mỗi một cán bộ, giáo viên.
3. Kết luận
         Ngày nay, hầu hết các quốc gia đều khẳng định giáo dục là nhân tố quyết định, là chìa khóa mở cánh cửa tri thức nhân loại để tiến vào tương lai của mỗi dân tộc. Trước thách thức đó yêu cầu giáo dục phải trang bị cho người học ngoài kiến thức chuyên môn còn phải có các kỹ năng, năng lực, phẩm chất, tính độc lập, sáng tạo nhằm thích ứng với xã hội hiện đại. Để nâng cao chất lượng giáo dục ở nhà trường, trong đó có HĐGDNGLL. Do vậy, đòi hỏi các nhà quản lý giáo dục nói chung và quản lý HĐGDNGLL nói riêng cần phải không ngừng học tập, nghiên cứu, nắm bắt thông tin kịp thời, chính xác để đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp với thực tiễn của đơn vị mình, lãnh đạo các nhà trường cần chọn lựa và sử dụng kết hợp nhiều biện pháp quản lý, cần thực hiện, xác định được các biện pháp một cách logic, khoa học để hiệu quả quản lý được tốt hơn.    
ABSTRACT
       Today, when discussing education while many people believe that the development of education is the development and exploitation of intellectual potential, career development, it is only interested in innovative curriculum content the basic science and technology and forget the soft skills training, in order to form and personality development and training of human dynamic, creative, capable of self-management, organization and operation planning, monitoring and evaluation ... this has a large effect to the professional skills of the students later. Therefore requires management education must have leadership capacity operating apparatus educational activities outside the classroom to keep the best operation, including: planning skills is a very important function , which is the road map to help managers achieve its objectives.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.        Phạm Minh Hạc (1986), Một số vấn đề giáo dục và kế hoạch giáo dục, Nhà xuất bản giáo dục, Hà Nội.
2.        A.S. Makarenco (1984), Giáo dục người công dân, NXB Giáo dục, Hà Nội
3.        Trần Đại Nghĩa (2014), Luận văn Thạc sỹ quản lý giáo dục, Đại học sư phạm Huế
4.        Trần Kiểm, (2012), Những vấn đề cơ bản của khoa học quản lý giáo dục, NXB Đại học sư phạm Hà Nội.
5.        Jan Amos Komensky, (1991), Thiên đường của trái tim, NXB Ngoại Văn.
6.   Tsunesaburo Makiguchi, (2009), Giáo dục vì cuộc sống sáng tạo, NXB Trẻ.           
Thông tin tác giả:
Họ và tên:   (*) ThS Trần Đại Nghĩa
Sinh ngày: 15/8/1979
Địa chỉ:  Trường THPT Bình Điền, Hương Trà, Thừa Thiên Huế
Nơi công tác: Trường THPT Bình Điền, Hương Trà, Thừa Thiên Huế.
Số điện thoại: 0982874326

Từ khóa Tiếng Việt:
   -Quản lý; Quản lý giáo dục; Hoạt động giáo dục; Ngoài giờ lên lớp; kế hoạch.
 Keywords English: 

  -Management; Education Management; Educationnal activities; outside of class time; plan          

Facebook Google twitter
Key word: QUẢN LÝ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC NGOÀI GIỜ LÊN LỚP Ở CÁC TRƯỜNG THPT TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY