10. Bài tập: Em hãy viết một đoạn văn quy nạp (khoảng 10-12
câu), có sử dụng phép lặp từ ngữ bàn về vấn đề tự học.
Đoạn văn tham khảo:
Trong quá trình học tập,
người ta sử dụng nhiều cách học nhưng quan trọng nhất chính là tự học.
Học tập là quá trình thu hận kiến thức, luyện tập kĩ năng do người khác truyền
lại. Chữ “ tự” trong “tự học” đòi hỏi mỗi học sinh phải chủ
động tìm kiếm kiến thức, dù cho có thầy giáo dẫn dắt hay không. Vậy tự học là chủ động học tập, bằng cách
đọc sách, suy ngẫm khám phá và phát hiện, biến kiến thức từ sách vở, của người
khác thành kiến thức của mình. Quá trình tự
học thực chất là quá trình rèn luyện, cho nên có bao nhiêu hoạt động học
tậpthì có bấy nhiêu cách tự học. Phải
có phương pháp tự học đúng đắn, hợp
lí thì mới rút ngắn thời gian và đạt kết
quả tốt trong học tập. Tự học khi
nghe giảng là thực hiện “tai nghe, mắt
nhìn, óc suy nghĩ,tay ghi bài”. Tự
học trong sách giáo khoa là đọc trước bài, chuẩn bị câu hỏi hoặc vấn đề
không hiểu để hỏi thầy cô, trả lời các câu hỏi và bài tập trong phần hướng dẫn
học bài của sách giáo khoa. Tự học
khi làm bài tập là tự mình suy nghĩ để tìm ra cách giải, không chép của bạn
hoặc bài mẫu. Tự học qua sách tham khảo là tìm hiểu thêm những kiến thức mới
hoặc những chỉ dẫn, những phương pháp tiếp cận bài học cụ thể của từng môn học.
Tự học thuộc lòng những kiến thức cần
ghi nhớ của bài học và những kiến thức bổ sung cần thiết. Tự học khi thực hành và liên hệ thực tế để rút ra những bài học cho
bản thân về phương pháp hay kiến thức. Tự
học chính là biến quá trình đào tạo của nhà trường thành quá trình tự đào tạo
của bản thân, là quá trình rèn luyện nghị lực, ý chí phấn đấu vươn lên, đem lại
cho bản thân khả năng hiểu biết, phân tích, cảm thụ sáng tạo.
11. Bài tập: Em hãy viết một đoạn văn quy nạp (khoảng 10
câu), có sử dụng câu hỏi tu từ bàn về tác hại của một trong các tệ nạn xã hội
mà chúng ta cần phải kiên quyết và nhanh chóng bài trừ.
Đoạn văn tham khảo:
Ngày nay xã hội ngày càng
tốt đẹp, cuộc sống con người ngàu càng phát triển hơn. Nhưng thật đáng buồn,
điều đó lại đồng nghĩa với việc các tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng, mà điển hình là tệ nưn ma
tuý đang hoành hành ghê gớm, đục khoét bao gia đình và xã hội. Ma tuý là độc
dược, ảnh hưởng xấu tới hệ thần kinh của con người. Hậu quả đầu tiên mà ma tuý
đem lại chính là cho những người sử dụng ma tuý. Những con nghiện dù khoẻ mạnh
mấy nhưng chỉ sau vài năm nghiện thì cơ
thể sẽ tiều tụy, thậm chí đôi khi phải trả giá bằng cả mạng sống của mình khi
bị “sốc thuốc”! Nhưng kinh khủng hơn, tiêm chích ma tuý là con đường ngắn nhất
dẫn tới AIDS- người nghiện sớm muộn rồi sẽ chết. Đại dịch AIDS là một thảm hoạ
của thế giới. Không chỉ dừng lại ở đó, tiêm chích ma tuý còn huỷ hoại công danh
sự nghiệp của người nghiện: bạn bè, đồng nghiệp xa lánh, bị đuổi việc, con
đường tương lai tươi sáng phía trước bỗng vụt tắt, tối tăm. Vậy gia đình và xã
hội có phải chịu hậu quả đáng buồn của những người nghiện ma tuý hay không?
Những người mẹ, người vợ cho tới những đứa con và mọi người khác trong gia đình
người nghiện luôn sống trong sự đau khổ, hạnh phúc tan vỡ, của cải đội nón ra
đi. Xã hội thì an ninh không được đảm bảo vì những vụ trấn lột, giết người cướp
của do những con nghiện gây ra. Đại dịch AIDS đe doạ sự tồn tại và tương lai
phát triển của cả xã hội và nhân loại. Ma tuý kinh khủng là thế nhưng chúng ta
vẫn có thể phòng trừ nó. mỗi chúng ta hãy nói “không” với ma tuý; hãy biết tự
kiềm chế mình, tránh xa ma tuý, tự biết bảo vệ mình. Hơn thế nữa, chúng ta hãy
nói với mọi người, với gia đình, bạn bè cần biết rõ tác hại của ma tuý. Hãy
cùng nhau ngăn chặn nó. Và quan trọng hơn nữa, mỗi chúng ta hãy cùng nhau giúp
đỡ những người nghiện để họ đừng quá lún sâu vào ma tuý. Kiên quyết bài trừ tệ nạn ma tuý là nhiệm vụ của mỗi người, mỗi tập
thể, của cả xã hội nhằm xây dựng một môi trường sống lành mạnh cho con người.
12. Bài tập: Nhân dân ta thường khuyên nhau:
“ Nhiễu điều phủ lấy giá
gương
Người trong một nước thì
thương nhau cùng”
Em hãy viết đoạn văn tổng
phân hợp (khoảng 10-12 câu), có sử dụng ít nhất hai phương tiện liên kết câu để
bàn về lời khuyên trên.
Đoạn văn tham khảo:
Tình yêu thương đoàn kết dân tộc được thể hiện trong câu
ca dao:
“ Nhiễu
điều phủ lấy giá gương
Người
trong một nước phải thương nhau cùng”
là vô cùng cao cả và thiêng liêng. Tình nghĩa nồng thắm ấy
đã in sâu vào trái tim khối óc người Việt Nam, tạo nên bản sắc dân tộc. Mỗi
hình ảnh, mỗi từ ngữ trong câu ca dao đều chứa đựng tâm ý sâu sắc. “ Giá gương” là một vật dụng đặt trên bàn
thờ gia tiên, một biểu tượng thiêng liêng của người đã khuất. Trên giá gương có
thể là một tấm ảnh, một tờ giấy ghi một vài nét về tiểu sử, công đức của người
đsng được thờ cúng. Giá gương thường được son thiếp vàng rất đẹp, một vẻ đẹp cổ
kính trang nghiêm. “ Nhiễu điều” là
một thứ hang dệt cao cấp (vóc, nhiễu, the, lụa…) màu đỏ thắm (điều). Đem nhiễu
điều phủ lấy giá gương, làm cho giá gương đã đẹp lại càng them đẹp, them trang
trọng. Chữ “phủ” trong câu ca dao có nghĩa là che chở, bao bọc, biểu thị một
thái độ, một tấm long tôn kính, biết ơn… của con cháu đối với ông bà, tổ tiên.
Hình ảnh gắn bó vừa thiêng liêng vừa thương cảm. Đi từ cụ thể tới trừu tượng,
từ so sánh tới khái quát, nhân dân ta đã lấy hình ảnh “ nhiễu điều phủ lấy giá gương” để qua đó, nêu lên một bài học đạo lí
có giá trị giáo dục sâu sắc: khuyên nhủ mọi người Việt Nam gìn giữ và nêu cao
tình yêu thương đoàn kết dân tộc. “ Người
trong một nước phải thương nhau cùng” bởi cùng chung cội nguồn, nòi giống
con Rồng cháu Tiên. Năm mươi tư dân tộc anh em, dù là Nam hay Bắc, miền ngược hay miền xuôi đều là
anh em trong đại gia đình Việt Nam, chung một lãnh thổ, chung một lịch sử,
chung một nền văn hoá lâu đời. Tình thương yêu đoàn kết dân tộc là truyền thống
tốt đẹp của dân tộc, là đạo lí sống của nhân dân ta, là cơ sở của tình yêu
nước. Tình yêu thương đoàn kết dân tộc
tạo cho ta sức mạnh vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng thiên tai lũ lụt, thù
trong giặc ngoài, tương thân tương ái, xây dựng một “ xã hội văn minh, dân
giàu, nước mạnh”.