Cách đây ít lâu, Báo Văn nghệ Công an có đăng ý kiến của một nhà thơ đồng tình với việc cải biên lại truyện cổ tích "Tấm Cám" cho phù hợp với nội dung sách giáo khoa. Trong khuôn khổ hẹp, bài viết có những ý kiến không phải không có lý. Ở đây, tôi xin được bàn rộng ra một chút, cũng từ truyện "Tấm Cám", để nói về việc có nên hay không nên cải biên truyện cổ tích cho thế hệ độc giả ngày nay.

Chúng ta đều biết, trong kho tàng cổ tích Việt Nam, có lẽ "Tấm Cám" là truyện có sức phổ cập lớn nhất. Bà kể cổ tích cho cháu là kể "Tấm Cám". Cổ tích mang dạy trong nhà trường bao giờ cũng có "Tấm Cám". Hồi cải cách ruộng đất, có người còn mang "Tấm Cám" ra cải biên thành vở chèo "Chị Tấm anh Điền" để cổ động. Cổ tích "Tấm Cám" được bà con ta nhiều thời yêu mến phải chăng do nó chất chứa sâu sắc ước nguyện của dân ta về lẽ công bằng, về hạnh phúc, về vẻ đẹp bất tử của lòng tốt. Phải chăng vì không gian truyện thấm đẫm bóng dáng quê hương và hương vị cuộc sống Việt Nam mình: cây cau, cây xoan đào, cái khung cửi, con vàng anh, con cá bống, trái thị thơm, miếng trầu cánh phượng, ngày giỗ cha sum họp, bà bán quán hiền hậu, ông vua bình dân...Nét cố hữu của làng nước dân tình được "Tấm Cám" lưu giữ đầy ấn tượng, có sức sống bền dai trong tâm trí đã âm thầm tạo nền phát triển cho tâm hồn mỗi chúng ta. Đời đời yêu mến Tấm và phê phán mẹ con nhà Cám. Người ta xót thương mỗi khi Tấm bị hại và hả hê khi mẹ con Cám bị trừng phạt. Nhưng đến hôm nay, khi dân ta cùng nhân loại đạt đến ngưỡng nhân văn này thì những em bé say mê nghe "Tấm Cám" trong lòng bà hay học "Tấm Cám" trong nhà trường bỗng xót thương cho cả Cám và mẹ Cám. Các em không yên lòng để Tấm trừng phạt Cám và dì tàn độc đến vậy: giội nước sôi lên toàn thân em cho em chết bỏng, lấy thịt em làm mắm cho dì ăn đến mức bà phải kinh hoàng mà chết.

Cái cách lập lại công bằng trong ước nguyện của người nông dân xưa không còn phù hợp với cách nghĩ bao dung, cách nhìn khoa học của người thời nay. Những nhà soạn sách muốn Tấm phải thay đổi hình phạt: Cám vẫn bị loại khỏi đời sống nhưng cách thi hành án nhân đạo hơn và không có cái màn làm mắm thịt người man dại kia. Tích truyện đã được sửa lại để dạy trong nhà trường.

Nhưng đưa tâm lý, đạo lý của thời nay chen vào xóa đi dấu vết của thời xưa thì cổ tích có còn là cổ tích nữa không? Cũng như nhiều ngôi đình chùa cổ từng được xếp hạng di tích văn hóa, có nhiều năm tuổi thọ, vừa qua được sửa chữa, thậm chí xây lại bằng vật liệu mới, lắp thiết bị mới thì có còn được coi là di tích cổ nữa không?

Vả lại, ngoài "Tấm Cám", nhiều cổ tích khác cũng có những bất cập với hôm nay. Không lẽ đem ra mà sửa hết. Nhân vật Thạch Sanh vốn được coi là biểu tượng của dũng cảm và lương thiện. Nhưng Thạch Sanh toàn bị lừa và dễ dàng mắc lừa thì cái cái hữu dũng vô mưu ấy có đại diện được cho quan niệm dũng của hôm nay không. Chàng Thạch Sanh ngờ nghệch ấy có còn nguyên vẻ đẹp xưa trong mắt con trẻ hôm nay không?

Trong chuyện cổ, cọp học trí khôn của người, bị người lừa trói lại và thiêu sống thì cái khôn ấy của người có hợp đạo lý trong quan hệ người làm thầy đối với kẻ làm trò ham học. Tác giả xưa đã lẫn lộn hai mối tương quan của hổ và người. Tương quan 1: ác thú và người. Tương quan 2: trò và thầy. Ở tương quan 1, người phải tìm cách diệt ác thú, cứu mình. Nhưng ở tương quan 2, là tương quan của câu chuyện này, thì thầy không thể lừa trò, hại trò. Điều hổ học được hóa ra không phải trí khôn của người mà là chỗ nhận ra: không thể tin, không thể chơi với con người được. Việc đời, đâu phải ra đó. Con chơi cờ tướng với bố là trong tương quan đối thủ nhưng khi bố bị chiếu tướng, xin hoãn nước, con không chịu, bố lại mắng con là bất hiếu thì không được.

Lẫn lộn tương quan vĩnh cửu (bố con, hổ người) với tương quan cụ thể (chơi cờ, thầy trò) sẽ làm rối cách xử thế nhưng không thể vì thế mà mang sửa câu chuyện hổ học khôn hay bỏ nó đi. Vấn đề là cách khai thác. Khai thác có nhận xét. Triết lý của thời nào gắn với trình độ của thời đó. Cổ tích hay truyện cổ là di sản văn hóa phi vật thể của từng thời, lưu lại cho đời sau dấu vết quá khứ. Nó mang đầy đủ ưu khuyết thế giới quan, nhân sinh quan của người thời đó. Chúng ta tiếp nhận cần tiếp nhận nguyên dạng. Giá trị di sản nằm trong sự nguyên dạng. Bởi vì chính từ nguyên dạng mà chúng ta nhận ra dụng ý ngụ ngôn của truyện và đồng thời được diện mạo của quá khứ. Đem chân dung (tâm hồn) của cha ông đi làm mỹ viện rồi mới đặt lên bàn thờ liệu có còn giữ được cảm động thiêng liêng?

Sửa chữa cổ tích cho hợp ý mình, hợp thời mình rồi dạy trẻ là cách làm dễ nhất, gọn nhất nhưng lại thành xuyên tạc di sản, làm nghèo nhận thức lịch sử. Được một mà mất hai, không nên! Chưa kể, sửa được phía này biết đâu lại bộc lộ bất cập phía khác mà phải đến đời sau mới có điều kiện nhận ra. Chắc lại sửa tiếp và cứ thế mà hoàn thành công cuộc tiêu hủy di sản ư?

Nguồn: Cand (Vũ Quần Phương)
Facebook Google twitter
Key word: Có nên cải biên cổ tích?